Sự tương đồng giữa Phật giáo và Vật lý lý thuyết

Sự tương đồng giữa Phật giáo và  Vật lý lý thuyết

Trong vài thế kỷ gần đây, con người đã có những bước tiến vượt bậc trong khám phá vật lý lý thuyết, đem đến những khái niệm mới mẻ mà đầy hấp dẫn như lý thuyết màng, vũ trụ song song, sự chuyển dịch năng lượng & thông tin qua đa vũ trụ, hay các vũ trụ đa chiều, …

Trong khi suy ngẫm về cuộc đời, về những điều lớn lao đang vận động ngoài kia, tôi nhận thấy có một mối liên hệ thú vị giữa Phật giáo và vật lý lý thuyết. Tìm hiểu sâu hơn một chút, thấy cũng có khá nhiều nhà khoa học, các báo cáo nói về sự tương đồng này. Tuy nhiên, tôi đã thử nghĩ rộng ra nhiều hơn nữa, bay bổng hơn nữa, rồi chợt tự hỏi, phải chăng Phật Tổ đã lĩnh hội đến tầng cao nhất của nhận thức, hiểu được bản chất thật sự của thế giới này, nhưng vì sự hạn chế của con người ở thời đại đó, Phật phải truyền dạy lại bằng Phật pháp, bằng các yếu tố tâm linh để giáo hóa chúng sinh? Và giờ đây, các nhà vật lý học, toán học, triết học, mới dần dần hé mở bức màn bí mật, kỳ lạ thay, lại tương đồng với những gì Phật giáo đã từng nhắc tới hàng ngàn năm qua…

Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân, không kỳ thị hay đả kích bất kỳ nền văn hóa, tôn giáo, kiến thức hay nhận thức khác biệt nào.

Tôi không phải một nhà vật lý lý thuyết, càng không phải triết gia, đạo gia hay lão gia nào đó để mà nói chuyện một cách cao siêu và chặt chẽ. Luận điểm của tôi xuất phát từ những nhìn nhận trong tự nhiên, các suy nghĩ mà bản thân tôi thấy sự logic và đáng tin cậy.

Chúng ta cùng bắt đầu với câu chuyện về thế giới đa chiều.
Hãy tưởng tượng, có một loại sinh vật chỉ có thể tiến về phía trước hoặc lùi về phía sau, và nó chỉ cảm nhận được phía trước và phía sau thôi. Tâm trí của sinh vật đó đang sống trong không gian 1 chiều, nó không thể cảm nhận hay tưởng tượng được không gian 2 chiều sẽ như thế nào.
Trên một mặt phẳng 2 chiều, tồn tại vô hạn các “vũ trụ” 1 chiều của sinh vật kia. Chỉ cần thay đổi một góc, dịch chuyển một chút là sinh vật đó đã chuyển qua một vũ trụ hoàn toàn khác với vũ trụ mà nó từng biết.

Tiếp theo, hãy xem xét những sinh vật nhỏ bé trên bề mặt phẳng 2 chiều. Chúng không thể nhận thức và không thể tự mình tiến vào không gian 3 chiều của chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn có thể thấy chúng, bắt gặp chúng, tương tác với chúng, như cách chúng có thể gặp và tương tác với những sinh vật trong “vũ trụ 1 chiều” lúc nãy.

Vậy thì, nếu thật sự tồn tại không gian 4 chiều hoặc nhiều chiều hơn (không tính chiều thời gian), thì các sinh vật ở không gian 3 chiều như chúng ta cũng không thể tự chủ tiến vào không gian đó, cảm nhận nó, tương tác với nó. Nhưng ở chiều ngược lại, các sinh vật, vật chất ở chiều không gian cao hơn có thể tác động đến sinh vật ở các chiều không gian thấp; và chắc hẳn là tồn tại vô số “vũ trụ” có chiều không gian thấp trong một “vũ trụ” có chiều không gian cao hơn. Theo tôi, không chỉ tồn tại các vũ trụ song song mà còn có thể là các vũ trụ lồng nhau.

Lý thuyết màng (brane cosmology) cho rằng vũ trụ của chúng ta có thể là một màng (brane) ba chiều nằm trong một không gian có nhiều chiều hơn (được gọi là "bulk"). Năng lượng và thông tin có thể di chuyển qua lại giữa các màng khác nhau hoặc giữa màng và không gian lớn hơn.

Từ đây, nhiều vấn đề có thể được giải thích một cách logic và dễ chấp nhận.

Ngoài lề một chút, phải chăng vụ nổ BigBang là kết quả của sự va chạm vật chất từ không gian nhiều chiều với vũ trụ 3 chiều của chúng ta? Như cái cách mà “vũ trụ nước” xuất hiện trên tờ giấy khi có một giọt nước rơi vào, sự giãn nở của vũ trụ này tương đương với sự lan ra của giọt nước… Tất nhiên sẽ có những khác biệt trong thực tế, bởi chúng ta chưa hoặc không thể hiểu hết được tính chất của không gian đa chiều gây ra sự kiện này, nhưng ví dụ kể trên phần nào cho thấy góc nhìn hạn hẹp của những sinh vật trong “vũ trụ” ít chiều với những hiện tượng xảy đến từ chiều không gian cao hơn.

Quay lại với chủ đề Phật giáo và mối tương quan với vật lý lý thuyết.
Phật giáo dạy rằng thế giới vật chất mà chúng ta thấy chỉ là biểu hiện của một thực tại sâu xa hơn. Phật giáo cũng đề cập đến việc tồn tại của nhiều cõi giới, nơi chúng ta có thể tái sinh hết lần này đến lần khác, gọi là luân hồi. Linh hồn trong Phật giáo là một dạng năng lượng không bị mất đi, chỉ chuyển đổi từ kiếp này sang kiếp khác.
Rồi, bạn đã thấy có mối liên hệ chưa? Hãy thả lỏng một chút và tưởng tượng, rằng con người có phần hồn và phần xác. Phần thể xác là vật chất, hình dạng 3 chiều đang tồn tại trong vũ trụ 3 chiều này mà thôi, còn phần hồn, là một dạng năng lượng có thể chứa đựng thông tin (hãy tạm hình dung như một dải sóng giao động vậy). Khi cái khối năng lượng “linh hồn” đó xuất hiện trong màng 3 chiều của chúng ta, chúng cộng hưởng với tính chất đặc trưng của chiều không gian này, tạo nên ý thức của mỗi người. Trong quá trình sống, học tập và rèn luyện, thông tin được thêm vào khối “linh hồn”, khiến nó thay đổi (coi như sự thay đổi ở một số dải tần trong dải sóng giao động ban đầu, hay như việc ghi chép vào 1 trang của cuốn sổ lớn).

Phật giáo dạy rằng, ở mỗi kiếp sống là một lần con người học hỏi, rèn luyện để hướng tới sự giải thoát khỏi vòng luân hồi. Phải chăng, những lần luân hồi chuyển kiếp ấy lại chính là lúc khối năng lượng “linh hồn” được chuyển dịch và kết nối với một vật chất cụ thể ở một màng (brane) nào khác?
Nếu như vậy, tại sao chúng ta không thể nhớ về tiền kiếp, số ít những trường hợp kỳ lạ mới có thể nhớ lại được?

Đã “nếu” rồi thì tôi sẽ thử giải thích như sau nhé:
Do sự cộng hưởng và phụ thuộc vào tính chất đặc trưng của từng màng, khối năng lượng “linh hồn” nếu được chuyển kiếp vào một màng lạ, sẽ phải học lại từ đầu. Giống như cùng một cuốn sổ nhưng được giở ra trang hoàn toàn mới vậy. Còn nếu linh hồn đó vô tình liên kết trở lại vũ trụ hiện tại, sẽ xảy ra trường hợp nhớ được tiền kiếp, cũng vẫn là quyển sổ đó, giở lại trang cũ đã ghi rồi.
Vậy thì việc có những vũ trụ song song để linh hồn liên tục luân hồi trở nên vô cùng hợp lý.

Liên quan đến luân hồi chuyển kiếp không thể không nhắc tới các cõi trong Phật giáo. Câu hỏi gợi ý tôi tiếp tục nêu ra là: phải chăng, các cõi này ám chỉ tính chất của các nhóm vũ trụ song song, hoặc thậm chí có những cõi là không gian nhiều chiều hơn cõi khác, nên quyền năng vượt trội hơn? Nếu có thời gian, hãy tìm đọc về 6 cõi luân hồi và suy luận xem nhé.

Vậy khi nào thì con người nhập cõi niết bàn? Câu trả lời của tôi có lẽ là lúc khối linh hồn học được, hay hiểu được bản chất của khối vũ trụ đa chiều mà nó liên tục chuyển hóa trong đó. Để rồi tồn tại ở một trạng thái không cần bám víu vào vật chất nào khác. Hãy tưởng tượng mà xem, khi đạt đến cảnh giới cao nhất, bước vào vũ trụ tổng quát nhất, không còn thân thể, không còn mục đích, không còn nhu cầu, … chẳng phải linh hồn sẽ rũ bỏ được tham, sân, si, trở nên tĩnh lặng như Phật giáo nhắc tới hay sao?

Sự tương đồng giữa Phật giáo với vật lý lý thuyết hiện đại khiến tôi thấy rất thú vị. Còn rất nhiều điều có thể luận bàn, giải nghĩa nếu đi sâu tìm hiểu thêm, tuy nhiên, do thời gian, tâm sức có hạn nên tôi chỉ viết đến đây thôi. Có thể tôi hiểu sai, suy luận sai, nhưng nếu có sai, đó cũng là một cái sai thú vị.

Cũng bởi những suy nghĩ tôi vừa chia sẻ không dẫn đến một kết luận chắc như đinh đóng cột nào, cũng không ra được lời khuyên hữu ích nào, nên sẽ không có kết bài. Chỉ hy vọng bạn đọc thấy được điều gì đó hay ho, gợi mở tư duy, hoặc không thấy mất thời gian để đọc đến tận đây là cũng vui rồi.

Hẹn gặp lại trong những bài chia sẻ khác.