Quan điểm về cuộc sống P2
Chào mừng mọi người đã quay lại với phần 2 của series Quan điểm về cuộc sống.
Như đã đề cập ở phần trước, trong phần 2 này, tôi sẽ chia sẻ quan điểm cá nhân sau khi đọc những quyển sách đại loại như Luật hấp dẫn, Ba người thầy vĩ đại.
Trước tiên, tôi xin được đề cập đến những điểm mấu chốt trong các tác phẩm kia, những điều tôi đặc biệt chú tâm để có được “phản biện” trong phần này.
Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, tác giả cho rằng, nếu chúng ta cứ nghĩ về một cái gì đó thật nhiều, chúng ta sẽ “gửi tín hiệu lên vũ trụ” và rồi sẽ đến lúc chúng ta đạt được điều đó, hoặc, cuộc sống sẽ đem lại cho chúng ta những bài học để hoàn thiện bản thân. Khi chưa học xong, các bài học đó sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại cho đến khi chúng ta hiểu được chúng và chuyển qua bài học khác.
Vâng, nghe đã thấy như kiểu ở đâu đó trong vũ trụ sâu thẳm, có một quyền năng vô hạn đang lắng nghe, thậm chí dõi theo nhất cử nhất động của chúng ta để xem học đến đâu rồi, giao bài mới hay thôi? Con người có đáng để được thứ quyền năng đó chú ý đến vậy không? Theo tôi là không, chỉ có con người đang tự huyễn hoặc mình vậy thôi!
Về quan điểm của các tác giả, tôi xin phản biện như thế này. Các bạn hãy thử nghĩ một cách nhỏ bé hơn chút nhé, đã bao giờ bạn thấy một loại xe ô tô nào đó đi đầy ra ngoài đường chưa? Đặc biệt, khi đột nghiên chú ý đến một dòng xe nào đó, ví dụ như Range Rover, Mercedes, Ferrari, … thì bạn có thấy nó nhiều một cách khác thường so với lúc bạn chưa biết đến nó không? Hay ví dụ như khi bạn quý mến một cô cậu bạn học nào đó, có đột nhiên thấy “ơ kìa, cũng có nhiều người thích người ta”, đột nhiên “có nhiều đối thủ thế chứ lị” không? Nếu có thì bạn giống tôi rồi đó!
Trước khi tôi biết về Mazda (khi mua xe) thì tôi thấy cái nào cũng là ô tô cả, khi biết rồi thấy gặp Mazda nhiều ra phết. Rồi khi biết đến Maybach (đắt quá, lái xe lúc nào cũng phải né nó ra) thì lại cũng thấy Maybach đầy đường, đi đâu cũng gặp được, rồi G63, thậm chí cả bugatti vài chục tỷ, … Tôi ngờ rằng, vốn dĩ những dòng xe đó vẫn tồn tại và lượn lờ khắp nơi, hoàn toàn tách biệt với ý chí của tôi. Chỉ khi tôi biết về nó, tôi mới để ý nó đã lướt qua mình ra làm sao. Cuộc đời lớn hơn nhưng hẳn là vẫn vậy, luôn tồn tại những bài học sâu sắc nào đó, tùy vào độ “giác ngộ” của mình, chúng ta sẽ lĩnh hội những bài học ở đúng “level” của mình. Đơn giản vì không đủ trình để nhìn thấy cái level cao hơn. Đến lúc lên level rồi thì mới nhận ra chúng, chứ chẳng có vị quyền năng tối cao nào rảnh rỗi soạn giáo án cho từng người trên trái đất này đâu.
Luật hấp dẫn, gửi tín hiệu vào vũ trụ cũng kiểu kiểu vậy đó. Khi bạn thực sự muốn một điều gì, hẳn tâm trí bạn sẽ ngó nghiêng xung quanh, rồi trân trọng hơn những sự kiện này nọ, những người nọ kia, rồi sẽ đến một lúc, cơ hội ập đến với bạn. Nghe thì có vẻ cũng có phần nào là bạn đã hút cái may mắn đó đến với mình đấy chứ, nhưng thực ra thì bạn đã nhẹ nhàng, chầm chậm tiếp cận nó.
Tóm lại, đừng nghĩ mình là tâm điểm của sự chú ý, là cái rốn của vũ trụ, rằng thì có quyền năng tối thượng nào đó đang chống lưng cho mình. Đơn giản là chúng ta đã, đang, và sẽ phải tự lực cánh sinh, ảo tưởng ít thôi, nhìn thế giới một cách thực tế và bớt mộng mơ đi, bạn sẽ thấy mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó.
Trong phần sau, tôi muốn kể về một hành trình đầy duyên và nợ của mình trong năm nay, một trong những sự kiện khiến tôi có cách nhìn khác về hai chữ duyên số, có lẽ cũng là một thứ gia vị không thể thiếu trong cái cuộc sống bất ổn này.
Hẹn gặp lại, nếu bạn còn hứng thú!