Quan điểm về cuộc sống P1

Quan điểm về cuộc sống P1

Liệu con người đang có quá đề cao bản thân mình không?

Lưu ý: Tôi từng nói một cách khá "thô" với người khác, rằng đừng hỏi những con ếch dưới đáy giếng về bầu trời, vì nếu không đủ hiểu biết, bạn sẽ nghĩ đó là chân lý. Vậy nên, nếu quan điểm của bạn khác của tôi, hãy dừng đọc bất kể lúc nào nhé, vì bài này được viết trên góc nhìn của tôi, trải nghiệm của tôi, biết đâu bạn thấy những điều đó có lý, nhưng cũng có thể không.

Trong những ngày rảnh rỗi hiếm hoi của năm 2023 siêu dài & siêu bận rộn, tôi bắt đầu tự hỏi những câu hỏi mà mọi người thường hay hỏi: Con người có cô độc trong vũ trụ này không? Chúng ta sinh ra để làm gì? Cuộc sống có luân hồi hay không? ...

Thực ra tôi nghĩ ai cũng có câu trả lời của riêng mình cho những câu hỏi trên, phụ thuộc vào quan điểm của cá nhân và có thể là qua thông tin truyền thông họ từng tiếp cận được, và thông qua một series bài viết, tôi muốn chia sẻ góc nhìn của mình. Thật lòng mà nói, chưa chắc đã có ai đọc, nhưng tôi vẫn muốn lưu lại, để sau này già đi, chín chắn hơn, có thể ngẫm lại xem một thời trai trẻ của mình thế nào.

Năm 2023 với tôi là một năm thay đổi cách nhìn về cuộc sống rất nhiều, không biết theo hướng tích cực hơn hay tiêu cực hơn, nhưng rõ ràng là có rất nhiều sự thay đổi. Không chỉ thấm thía cái gọi là duyên, tôi còn thấy mình gần với cửa tử hơn bao giờ hết, không phải về mặt vật chất, mà là gần về tinh thần. Rồi những cuốn sách về luật hấp dẫn, về những bài học mà cuộc sống mang lại cho mỗi chúng ta, blah blah, những thứ tôi tiếp thu có vẻ như có gì đó hơi khác với mọi người. Tôi cũng nhận ra một điều là, có thể mọi người biết rất nhiều thứ, trải nghiệm rất nhiều điều, nhưng không phải ai cũng tổng hợp chúng ra thành những gạch đầu dòng rành mạch được. Để rồi đến khi đọc những gạch đầu dòng của người khác mới chợt nhận ra rằng, "ồ đúng rồi, mình cũng thấy thế, cũng đã như thế mà?".

Một số trải nghiệm đầy "duyên nợ" và những đêm ngủ muộn (sau 12h đêm) thường mang đến cho tôi những suy nghĩ sâu xa hơn, những điều ... vượt ra khỏi cuộc sống bận rộn này, đưa tôi đến với một câu hỏi lớn lao hơn tất cả: Liệu có phải con người đã tự đề cao bản thân quá không? Và rất nhanh chóng, tôi biết rằng, câu trả lời là Đúng!

Quay lại với những câu hỏi "vĩ mô" tôi đã đề cập ở phần đầu, những câu hỏi kiểu như "Chúng ta sinh ra để làm gì? Liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ này không? Có thượng đế hay một loài sinh vật cao cấp nào đó đang theo dõi chúng ta như một dạng thí nghiệm hay không?", ..., rõ ràng đặt con người vào trung tâm của vũ trụ.

Thay vì thoát ra ngoài và nhìn lại mình (như cách mà Voyager 1 đã "nhìn" qua bức ảnh Pale Blue Dot), chúng ta lại đứng trên phương diện con người để nhìn ra bên ngoài.

Nếu đặt mình vào con mắt của Voyager 1, tôi sẽ thấy trái đất này, loài người này, không có nhiều ý nghĩa với vũ trụ bao la ngoài kia, có lẽ chỉ là phần dư của của các sai số.

Tại sao là "phần dư của các sai số"? Tôi sẽ giải thích quan điểm của mình như thế này: theo những quan sát của con người, có vẻ như vũ trụ này muôn hình vạn trạng, và thật tình cờ, mặt trời đủ lớn để cấp năng lượng cho trái đất, đủ nhỏ để không đốt cháy nó, về phần mình, trái đất cũng tình cờ ở một vị trí phù hợp cho các vật chất hữu cơ tồn tại, tình cờ nhận được nước, vật chất vô cơ cần thiết từ các mảnh thiên thạch, blah blah. Nói là tình cờ, bởi chẳng có bằng chứng nào về việc có sự sắp xếp ở đây cả, dường như những thông số đó là ngẫu nhiên và phát triển lên từ rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên khác nhau tổng hợp lại (vũ trụ ngoài kia đầy rẫy những hệ sao đủ loại kích cỡ, tính chất). Sự tồn tại của hệ mặt trời với các thông số tối ưu như thế này có thể là một sự tình cờ hiếm gặp chứ chưa đến mức phải gọi là "sai số" của vũ trụ. Nhưng đến khi các giống loài sinh vật sinh sôi trên trái đất, cái "phần dư của các sai số" mới bộc lộ rõ nét. Nếu không có đột biến, các giống loài không thể tiến hóa, sẽ chẳng có con người như ngày hôm nay. Mà đột biến là gì? Là các sai số trong quá trình sao chép di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có rất nhiều sai số, ứng với nhiều hình thái, tính trạng khác nhau, nhưng cuối cùng, bộ gen nào thích ứng tốt nhất với môi trường sẽ tiếp tục tồn tại, đó gọi là phần dư của các sai số rồi còn gì?

Rồi, vậy sau một hồi giải thích dài dòng, tôi túm lại là, đừng nghĩ con người, trái đất này có một vị trí đặc biệt quá, chắc chắn chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ trong cái vũ trụ bao la này, và có khi là cái phần kém hoàn thiện nhất của nó cũng nên. Tôi cũng tin rằng, đâu đó trong ngóc ngách khác của vũ trụ, cũng sẽ có những "phần dư của các sai số" khác đang tồn tại, nhưng hoàn toàn có thể sẽ khác chúng ta. Biết đâu đó, chúng ta đang tìm kiếm sự sống giống chúng ta, trong khi phần dư kia lại tồn tại ở những điều kiện mà chúng ta cho là "khắc nghiệt", vì chắc gì "họ" cũng "sống" như chúng ta? Hãy dừng nghĩ mình đặc biệt và mọi thứ phải giống mình mới là chân lý!

Chắc tôi sẽ tạm dừng phần 1 ở đây, mới chỉ nói được chút xíu thôi nhưng rõ ràng là tôi hoàn toàn có thể viết nguyên một quyển sách về những thứ tôi định chia sẻ (nếu hành văn theo cái cách câu giờ của các tác giả khác). Trong phần sau, tôi sẽ chia sẻ cảm nhận của bản thân khi đọc những cuốn sách kiểu như luật hấp dẫn, ba người thầy vĩ đại, ... để thấy được sự ảo tưởng trong suy nghĩ của loài người, vì cái thế giới này tồn tại không phải chỉ để giúp cho con người ngộ ra điều gì đó rồi "thoát khỏi luân hồi", không có đâu!

Chào thân ái!