Blockchain tăng cường bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu thế nào?

How Blockchain Can Enhance Data Security and Privacy

Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về một vấn đề được đề cập khá nhiều khi mới tiếp xúc với Blockchain, bởi đây là một trong những tính chất đáng chú ý của công nghệ này: Cách blockchain tăng cường bảo mật và bảo vệ sự riêng tư trong dữ liệu.

1. Tại sao?

Hãy cùng lướt qua những điểm nổi bật sau giúp Blockchain có thể tăng cường bảo mật và tính riêng tư:

a. Phi tập trung: Tính phi tập trung của Blockchain loại bỏ điểm lỗi duy nhất (trường hợp server lỗi) mà hacker có thể khai thác. Thay vào đó, bất kỳ node nào lỗi sẽ bị loại bỏ khỏi mạng blockchain một cách tự động.

b. Minh bạch và có thể kiểm toán: Bản chất phân tán của blockchain đảm bảo rằng tất cả các bên có thể xem và xác minh dữ liệu được chia sẻ, từ đó tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này giúp dễ dàng theo dõi mọi thay đổi trái phép đối với dữ liệu và thực hiện hành động thích hợp.

c. Phân quyền truy cập: Blockchain có thể được thiết kế để chỉ cho phép các bên được ủy quyền truy cập dữ liệu, đảm bảo rằng thông tin nhạy cảm được bảo vệ khỏi sự truy cập trái phép.

d. Bảo vệ bằng mật mã: Blockchain sử dụng các thuật toán mã hóa tiên tiến để bảo mật dữ liệu, bảo vệ dữ liệu khỏi bị truy cập trái phép và đảm bảo rằng chỉ những bên được ủy quyền mới có thể giải mã và truy cập dữ liệu.

2. Các trường hợp sử dụng Blockchain để bảo mật dữ liệu

Để minh họa cách blockchain có thể tăng cường bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu, hãy xem xét một số ví dụ thực tế sau đây:

a. Chăm sóc sức khỏe: Blockchain có thể được sử dụng để lưu trữ hồ sơ sức khỏe một cách an toàn và cho phép bệnh nhân có toàn quyền kiểm soát dữ liệu của họ. Bệnh nhân có thể cấp quyền cho bác sĩ và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác truy cập vào hồ sơ của họ, đảm bảo rằng chỉ những bên được ủy quyền mới có quyền truy cập vào dữ liệu. Ở đây đề cao sự bảo mật dữ liệu nên thường sử dụng mạng blockchain riêng tư (private blockchain).

b. Dịch vụ tài chính: Như một bài viết trước đã đề cập, Blockchain có thể được sử dụng để lưu trữ dữ liệu tài chính một cách an toàn và cho phép các giao dịch an toàn, minh bạch và hiệu quả. Điều này có thể giúp giảm gian lận và tăng niềm tin vào hệ thống tài chính.

c. Quản lý chuỗi cung ứng: Như bài viết trước đã đề cập tới, Blockchain có thể được sử dụng để theo dõi sự di chuyển của hàng hóa theo chuỗi cung ứng, mang lại sự minh bạch hoàn toàn và đảm bảo rằng nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm có thể được xác minh.

d. Dịch vụ công: Blockchain có thể được sử dụng để lưu trữ và xác minh danh tính một cách an toàn, cho phép truy cập an toàn và hiệu quả vào các dịch vụ của chính phủ.​ Ngoài ra, việc sử dụng blockchain trong quản lý văn bản, tài liệu cũng mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc chống gian lận và chỉnh sửa thông tin.

3. Những thách thức và hạn chế của việc sử dụng Blockchain để bảo mật dữ liệu

Mặc dù Blockchain có những tiềm năng tuyệt vời để tăng cường tính bảo mật và riêng tư dữ liệu, vẫn còn đó những thách thức đặt ra trong quá trình triển khai, có thể kể đến như:

a. Khả năng mở rộng: Khi số lượng giao dịch và khối lượng dữ liệu trên blockchain tăng lên, khả năng mở rộng trở thành một vấn đề cốt lõi. Giải pháp được đưa ra có thể là phân chia thành các mạng con, hoặc xử lý off-chain.

b. Tích hợp với hệ thống hiện hành: Quá trình tích hợp Blockchain vào hệ thống hiện hành là một quá trình phức tạp và đòi hỏi thời gian. Các đơn vị cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về lợi ích và chi phí của việc ứng dụng blockchain.

c. Rào cản pháp lý: Công nghệ blockchain vẫn đang trong trong giai đoạn sơ khai, khung pháp lý còn thiếu sự rõ ràng và nhất quán. Điều này có thể tạo ra sự không chắc chắn và thách thức cho các tổ chức đang tìm cách áp dụng blockchain để bảo mật dữ liệu.

4. Tạm kết

Tóm lại, blockchain có tiềm năng to lớn để tăng cường bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu trong nhiều ngành công nghiệp.

Bản chất phân tán, minh bạch và an toàn của blockchain có thể giúp bảo vệ dữ liệu nhạy cảm và đảm bảo rằng chỉ những bên được ủy quyền mới có quyền truy cập vào dữ liệu đó.

Tuy nhiên, các tổ chức nên nhận thức được những thách thức và hạn chế của việc sử dụng blockchain và cân nhắc cẩn thận liệu đó có phải là giải pháp phù hợp cho nhu cầu cụ thể của họ hay không.

Trong bối cảnh hiện tại, cá nhân tôi nhận thấy việc áp dụng công nghệ blockchain không chỉ là sử dụng một giải pháp mới để giải quyết vấn đề cũ, mà còn là sự tiến bộ cần có trong các hệ thống lớn, đảm bảo admin không phải là người có quyền hành tuyệt đối.