Khám phá Tiền điện tử
Tiền điện tử, hay còn gọi là tiền số, tiền ảo, là một trong những ứng dụng thú vị của công nghệ blockchain đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhắc đến tiền điện tử, đa phần chúng ta đang có cái nhìn không mấy thiện cảm. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau khám phá những thông tin cơ bản về Tiền điện tử, để xóa tan định kiến và hiểu rõ hơn "nguy" và "cơ" của nó nhé!
1. Giới thiệu
a. Định nghĩa Tiền điện tử
Tiền điện tử (tiền mã hóa) là một loại tiền tệ ảo, sử dụng mã hóa để bảo mật. Loại tiền này hoạt động độc lập với các ngân hàng trung ương, và có thể chuyển trực tiếp giữa các cá nhân qua mạng lưới (internet) mà không cần trung gian nào.
b. Lược sử Tiền điện tử
Tiền điện tử phi tập trung đầu tiên trên thế giới là Bitcoin, được tạo ra năm 2008 bởi một người hoặc một nhóm người có biệt danh là Satoshi Nakamoto. Từ đó về sau, hàng ngàn loại tiền điện tử khác được tạo ra và trao đổi trên nhiều nền tảng khác nhau.
c. Tại sao cần hiểu Tiền điện tử?
Tiền điện tử được cho là có tiềm năng tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính, nhưng nó vẫn đang còn mới mẻ và liên tục tiến hóa. Trước khi đầu tư vào Tiền điện tử hoặc làm việc với chúng, chúng ta cần hiểu được những khái niệm cơ bản, rủi ro và những cơ hội có thể có được, để chuẩn bị tâm thế cho những thay đổi hỗn loạn gấp hàng trăm lần thị trường chứng khoán truyền thống.
2. Cơ bản về Tiền điện tử
a. Các khái niệm cơ bản
- Tiền tệ phi tập trung: Tiền điện tử hoạt động trên mạng phi tập trung, không bất kỳ tổ chức hay cá nhân độc lập nào có thể kiểm soát, không chịu chi phối của bất kỳ cơ quan chính phủ nào.
- Blockchain: Tiền kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ dữ liệu giao dịch. Các khối trong chuỗi được liên kết với nhau bởi mã hóa, giúp chúng có tính kết nối và bảo mật, gần như không thể bị thay đổi. Blockchain là công nghệ nên tảng được sử dụng trong Tiền điện tử, blockchain không phải tiền điện tử!
- Ví điện tử: Ví điện tử lưu giữ thông tin tài khoản người dùng, trong khi tất cả thông tin tài sản được lưu trữ phi tập trung. Có rất nhiều loại ví điện tử với các tính năng, tính chất và độ an toàn khác nhau.
b. Các loại Tiền điện tử
- Bitcoin: Đồng tiền điện tử đầu tiên và nổi tiếng nhất, với vốn hóa thị trường cũng là lớn nhất.
- Ethereum: Đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ 2 thế giới, và là một nền tảng phi tập trung hỗ trợ smart contract (hợp đồng thông minh).
- Ripple: Một hệ thống thanh toán gộp theo thời gian thực (RTGS), mạng lưới trao đổi và chuyển tiền. Nền tảng hoạt động dựa trên giao thức thanh toán phân tán dựa trên blockchain để tạo điều kiện cho các giao dịch tức thời và chi phí thấp giữa các ngân hàng truyền thống, trình xử lý thanh toán và các tổ chức tài chính.
- Altcoins: ngoài Bitcoin còn hàng ngàn loại tiền kỹ thuật số khác, các đồng tiền kỹ thuật số khác Bitcoin được gọi là altcoins (alternative coins), bao gồm cả Ethereum và Ripple kể trên.
Để xem danh sách các loại Tiền điện tử và các thông tin giá trị, vốn hóa, lịch sử giao dịch của chúng, bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở đây https://coinmarketcap.com
3. Cách mua Tiền điện tử
Để mua Tiền điện tử, bạn cần đăng ký/đăng nhập vào các sàn giao dịch tiền điện tử có sẵn để đặt mua. Có rất nhiều lựa chọn với các mức phí và tính năng khác nhau, tuy nhiên hầu hết hiện nay các sàn này đều yêu cầu định danh trước khi mua (KYC, xác thực danh tính bằng thông tin cá nhân) làm giảm tính ẩn danh của Tiền điện tử, nhưng sẽ tăng độ an toàn.
Hầu hết các sàn giao dịch tiền điện tử đều hỗ trợ chuyển khoản ngân hàng, thẻ credit/debit, hoặc qua giao dịch điện tử như Paypal.
Cần thận trọng khi lựa chọn sàn giao dịch hoặc nền tảng giao dịch dựa trên uy tín, lịch sử của họ. Nên tham khảo ý kiến người có kinh nghiệm và thử với lượng nhỏ tiền để tránh rủi ro lớn xảy ra.
4. Giữ Tiền điện tử
Như đã đề cập ở phần trên, thông tin tài sản số của bạn được lưu trữ trên blockchain, thứ bạn thực sự lưu giữ là thông tin tài khoản (mã khóa bí mật - private key) trên ví điện tử.
Khóa bí mật (private key) là một đoạn mã duy nhất, được sử dụng để xác thực quyền sở hữu của bạn với tài sản số (tiền điện tử). Khóa bí mật không thể thay đổi, không thể cấp lại, nên hãy thận trọng trong việc lưu giữ và không được chia sẻ với người khác.
Có rất nhiều loại ví có thể lưu giữ mã khóa bí mật của bạn:
- Ví phần cứng (hardware wallet): Thiết bị điện tử cho phép bạn lưu trữ khóa bí mật offline (VD: Trezor hardware wallet, Ledger hardware wallet)
- Ví phần mềm (software wallet): Ví điện tử chạy trên điện thoại hoặc máy tính (VD: Metamask, Rainbow wallet, Trust wallet)
- Ví giấy (paper wallet): Bản in của khóa bí mật
Một số lưu ý khi lưu trữ Tiền điện tử:
- Sử dụng mật khẩu mạnh và/hoặc xác thực 2 lớp với ví điện tử nếu có
- Hạn chế để tiền điện tử trên sàn giao dịch trong thời gian dài
- Backup thông tin để hạn chế việc mất khóa bí mật dẫn tới mất khả năng sử dụng tiền điện tử
5. Rủi ro và cơ hội của Tiền điện tử
a. Rủi ro
Sử dụng, trao đổi tiền điện tử có một số rủi ro bạn cần nắm rõ trước khi thực sự bước chân vào:
- Giá trị biến động cao: Giá trị của tiền điện tử biến đổi liên tục và có thể thay đổi rất nhanh chóng.
- Phi tập trung: Tiền điện tử đa phần không được kiểm soát nên có thể là một khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro cao.
- Ẩn danh: Các giao dịch tiền điện tử về cơ bản là ẩn danh (không có định danh giữa tài khoản và chủ sở hữu) nên thường được dùng trong các hoạt động phi pháp.
b. Cơ hội
Đi đôi với rủi ro luôn là cơ hội:
- Tiềm năng lợi nhuận cao: Khác với chứng khoán, tiền điện tử được giao dịch liên tục 24/7, không có giới hạn thay đổi theo ngày, do đó hoàn toàn có thể xuất hiện những thời điểm lợi nhuận đột biến.
- Xuyên biên giới: Tiền điện tử mở ra các cơ hội đầu tư xuyên biên giới, khi mọi người có thể dễ dàng mua token (như một dạng cổ phiếu) của một công ty ở bên kia địa cầu mà không cần sự hỗ trợ của bên thứ ba.
- Tiềm năng gian lận: Do không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan chính phủ nào, tiền điện tử tiềm ẩn khả năng gian lận cao, đó sẽ là rủi ro của người này nhưng lại là cơ hội của kẻ khác. Tôi hoàn toàn không khuyến khích các bạn suy nghĩ theo hướng này, mặc dù nó là một sự thật hiện hữu.
Hãy nhớ, cơ hội đi kèm với rủi ro, chuẩn bị kỹ kiến thức và cân nhắc trước khi làm bất kỳ điều gì có thể tổn hại tới ví tiền của bạn!
6. Tương lai của Tiền điện tử
Tuy chưa được các chính phủ cởi mở đón nhận, tiền điện tử có một số tiềm năng, cơ hội trong tương lai có thể kể đến như:
- Thay thế thanh toán truyền thống (giao dịch, đầu tư xuyên biên giới)
- Hỗ trợ hoạt động của ngân hàng truyền thống (tăng tính minh bạch, giao dịch liên ngân hàng, ...)
- Các chính phủ có thể tiến tới quản lý tiền điện tử hoặc tự phát hành tiền điện tử riêng (để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng)
7. Tạm kết
Chúng ta vừa khám phá cơ bản về tiền điện tử, một loại tiền sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ và bảo vệ các giao dịch.
Lợi ích và rủi ro khi sử dụng tiền điện tử trong giao dịch, đầu tư là rất rõ ràng và song hành với nhau. Hiểu được điều đó, chúng ta mới có thể có những quyết định đúng đắn để không trở thành con gà, hạt thóc trong thế giới tiền điện tử đầy rẫy cạm bẫy.
Cuối cùng, tôi xin được khuyến cáo các bạn, nếu chưa thực sự sẵn sàng, chỉ nên tìm hiểu, đừng thử, đừng ham mê tiền điện tử!