Giới thiệu về công nghệ Blockchain

An Introduction to Blockchain Technology

Sau hơn 6 năm làm việc trong lĩnh vực Blockchain, tôi đã chứng kiến sự trỗi dậy của công nghệ đầy tranh cãi này và những ảnh hưởng của nó đến thế giới. Đó là lý do tôi muốn viết một series về Blockchain cơ bản, để có thể cung cấp cái nhìn thiện cảm hơn, cụ thể hơn về blockchain và cách nó có thể thay đổi cách thế giới đang vận hành.

Khác với những bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân, series này sẽ được trình bày thành từng mục rành mạch hơn theo hình thức cung cấp thông tin, và tôi sẽ hạn chế lan man nhé.

Hãy hít một hơi thật sâu và bắt đầu những bước đi đầu tiên nhé!

1. Định nghĩa Blockchain cơ bản

Trước khi tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ Blockchain, chúng ta cần hiểu được cơ bản cách vận hành của nó thông qua định nghĩa chung.

Về cơ bản, blockchain là một sổ cái điện tử phi tập trung, sử dụng để lưu trữ dữ liệu và các giao dịch với nhiều máy tính độc lập nhau. Blockchain là một công nghệ cho phép minh bạch hóa dữ liệu và không thể sửa đổi, cho phép đảm bảo an toàn giao dịch mà không cần bên thứ ba.

Những keywords cần chú ý ở đây là

  • Sổ cái điện tử: lưu trữ dữ liệu điện tử, từ "sổ cái" khởi nguồn từ bitcoin, khi mà các giao dịch chỉ là con số, gửi từ người này sang người khác, chỉ có thể chi nếu đã được nhận.
  • Phi tập trung: dữ liệu không lưu trữ tập trung ở một máy chủ nào mà phân tán ra các nút mạng, việc xử lý ghi thêm dữ liệu cũng được xét duyệt độc lập trên các nút đó mà không chịu sự chi phối của cơ quan quản lý nào.
  • Không thể sửa đổi: Dữ liệu đã đưa lên blockchain sẽ được lưu trữ ở các nút, bảo đảm bởi các thuật toán mã hóa để đảm bảo không bị thay đổi (trừ khi tuân thủ đúng các thủ tục xét duyệt độc lập trên các nút).

2. Lịch sử công nghệ Blockchain

Công nghệ Blockchain không phải mới, nó đã tồn tại hàng thập kỷ rồi nhưng dưới các hình thức khác và tên gọi khác. Tuy nhiên, phải đến sự kiện ra đời của Bitcoin - một loại đồng tiền kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain, cho phép các giao dịch nhanh, an toàn, minh bạch, thì cộng đồng công nghệ mới thật sự nắm bắt được Blockchain là gì.

Tuy nhiên, cũng vì khởi đầu gắn liền với tiền điện tử, không phải lúc nào Blockchain cũng được nhìn nhận như một công nghệ tiềm năng.

Kể từ năm 2008 đến nay, công nghệ blockchain đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển và tiến hóa để có được những thành tựu như ngày hôm nay. Kể cả đến tận bây giờ, vẫn còn khá nhiều phiên bản blockchain khác nhau, cùng tồn tại trong quá trình giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của công nghệ này.

Ngày nay, để nói về blockchain, người ta cần phải đặc biệt nhắc đến Smart contracts (hợp đồng thông minh). Đây là những phần mềm nhỏ được thiết kế để chạy trực tiếp trên blockchain. Điều này cho phép người dùng có thể tin tưởng quá trình hoạt động cũng như kết quả của chương trình đó, khi mà nó được thực thi trên toàn bộ các nút của mạng, công khai kết quả trên mạng blockchain.

Smart contracts có thể xử lý rất nhiều bài toán phi tập trung, trong đó đa phần là DeFi (decentralized finance).

3. Các tính chất của Blockchain

Công nghệ Blockchain được đặc trưng bởi rất nhiều tính năng, tính chất, giúp nó tách biệt khỏi những công nghệ khác. Những tính năng đó có thể kể đến như:

  • Tính phi tập trung: không có cơ quan điều khiển trung tâm, dữ liệu được phân phối trên toàn bộ các máy tính của mạng, giúp hạn chế khả năng bị can thiệp và thay đổi thông tin.
  • Tính minh bạch: tất cả mọi người có thể đọc dữ liệu, giao dịch được ghi trên blockchain, ví dụ như thông tin về phiếu bầu, các giao dịch chuyển tiền.
  • Tính bảo mật: mạng máy tính có sự đảm bảo bởi các thuật toán mã hóa, thuật toán đồng thuận, giúp các nút mạng đều lưu giữ dữ liệu giống nhau, đảm bảo không bị làm giả hay bị thao túng.
  • Không thể thay đổi: dữ liệu một khi đã được đưa lên blockchain sẽ không thể bị thay đổi (trừ khi có sự đồng thuận của các nút mạng).

4. Các loại Blockchain

Có thể phân loại Blockchain thành nhiều loại dựa trên đặc tính của nó, phân loại thường được sử dụng gồm:

  • Public blockchain: mạng blockchain mà tất cả mọi người có nhu cầu đều có thể truy cập được.
  • Private blockchain: mạng blockchain riêng tư, được sử dụng nội bộ và vẫn có bộ phận quản lý nội bộ.
  • Permissioned blockchain: mạng blockchain có phân quyền, chỉ cho những người được cấp phép truy cập.

5. Các ứng dụng của Blockchain

Công nghệ blockchain có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, một số trong đó gồm:

  • Tiền điện tử: tiền điện tử thu hút đa số sự quan tâm dành cho blockchain. Bitcoin, Ethereum là những cái tên quá quen thuộc với người chơi tiền điện tử. Tiền điện tử không bị quản lý bởi bất kỳ cơ quan chính phủ nào, giúp việc giao dịch xuyên biên giới trở nên dễ dàng. Với sự trợ giúp của smart contracts, tiền điện tử càng mạnh mẽ hơn với khả năng huy động vốn, tự động thanh khoản, ...
  • Chuỗi cung ứng: công nghệ blockchain được ứng dụng trong chuỗi cung ứng để minh bạch hóa nguồn gốc, vận chuyển, ...
  • Hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm: công nghệ blockchain giúp hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm được an toàn và minh bạch trong phạm vi nhất định.

6. Thách thức

Giống như bất kỳ công nghệ mới nào khác, blockchain cũng phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Một trong số những thách thức này là

  • Khả năng mở rộng: công nghệ blockchain có sự ràng buộc giữa ba yếu tố: khả năng mở rộng, bảo mật, tính phi tập trung. Để thay đổi một yếu tố trong số đó, cần đánh đổi các yếu tố còn lại.
  • Khả năng liên thông: việc tồn tại quá nhiều mạng blockchain khác nhau đặt ra một thách thức lớn về khả năng tương tác qua lại giữa các mạng blockchain này với nhau, khi mà người dùng muốn tận dụng ưu điểm của các mạng nhưng lại không có đủ thời gian, chi phí và kiến thức cho chúng.
  • Quy định pháp lý: không phải quốc gia nào cũng công nhận tính hợp pháp của Blockchain, do đó, việc sử dụng blockchain, đặc biệt là tiền điện tử vào các lĩnh vực thiết yếu của đời sống không hề dễ dàng.

7. Tương lai của Blockchain

Bất chấp những thách thức kể trên, tương lai của công nghệ blockchain vẫn được đánh giá vô cùng tươi sáng.

Với khả năng nâng cao tính minh bạch, cải thiện bảo mật và hiệu quả trong một số quy trình nhất định, công nghệ này được dự báo sẽ tiếp tục được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, chuỗi cung ứng cũng như bảo hiểm.

Trong lĩnh vực tài chính, Blockchain thúc đẩy các sự kiện gọi vốn cộng đồng xuyên quốc gia, thay thế tiền pháp định, thay thế cổ phần, cổ phiếu, quản lý tài sản số, định danh tài sản thực, ...

Trong chuỗi cung ứng, blockchain giúp minh bạch hóa nguồn gốc, quy trình sản xuất, hành trình vận chuyển, điều kiện bảo quản, ...

Trong lĩnh vực bảo hiểm, blockchain giúp minh bạch hóa lịch sử tài sản, lịch sử bảo dưỡng, quy trình vận hành, kết quả bồi thường, tự động thanh toán, ...

Ngoài ra còn rất nhiều lĩnh vực lớn nhỏ khác có thể áp dụng blockchain để nâng cao hiệu quả, cải thiện uy tín, ...

8. Tạm kết

Blockchain là công nghệ tiềm năng thay đổi cách chúng ta làm việc trong một số lĩnh vực nhất định.

Đừng vì thiên kiến với tiền số mà gạt bỏ đi những lợi ích to lớn mà Blockchain mang lại. Blockchain là một công nghệ, một công cụ, dùng vào việc tốt hay việc xấu là do người phát triển, vận hành nó.

Trong bài viết này tôi đã trình bày những kiến thức cơ bản về blockchain, với mong muốn cung cấp thêm cái nhìn đa chiều về công nghệ đầy tranh cãi này. Trong các bài post tiếp theo của series Blockchain cơ bản, tôi sẽ đi sâu hơn vào cách Blockchain có thể thay đổi các ngành công nghiệp khác, biết đâu bạn sẽ là người tiếp theo trở thành tỉ phú công nghệ với một ý tưởng khởi nguồn từ những bài viết như thế? Lúc đó hãy kể tôi nghe nhé!